Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bộ Công Thương tìm cách gỡ

Trong khi các DN ngành thép đang phải đối đầu với thực trạng tồn kho, ứ đọng cả thép nguyên liệu và thành phẩm khi giá thế giới đảo chiều, thì hiện đang tồn tại một nghịch lý là nhiều dự án đầu tư chiều sâu phải ngừng trệ, chậm đi vào hoạt động do thiếu thép, còn nguyên liệu quặng sắt bán không ai mua.

 
Thép nguyên liệu và thành phẩm đều ứ đọng khiến các DN thép gặp nhiều khó khăn.

Quặng sắt là nguyên liệu Chính phủ có chủ trương dừng XK, nên các DN chế biến quặng đang tiến thoái lưỡng nan.

Mâu thuẫn lợi ích

Sự việc khởi nguồn từ khi Cty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long (Cty Thăng Long) có công văn gửi Bộ Công Thương, đề nghị cho phép XK 100.000 tấn tinh quặng sắt mà Cty tuyển luyện tại mỏ Phú Thọ. Mặc dù Bộ Công Thương có thông tư 08, hướng dẫn XK khoáng sản quy định: Đối với các điểm mỏ thuộc địa bàn các tỉnh - trong đó có Phú Thọ - thuộc danh mục các mỏ trong quy định cân đối phục vụ chế biến sâu trong nước, không được phép XK.

Bộ Công Thương lập tức có công văn hỏa tốc gửi Hiệp hội Thép (VSA) và các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép, phôi thép trong nước liên hệ với Cty Thăng Long để tiêu thụ quặng. Bộ Công Thương cho biết: Việc phối hợp đẩy mạnh tiêu thụ quặng sắt trong nước không chỉ giúp các DN luyện gang thép bổ sung nguồn nguyên liệu, mà còn giúp các DN khai thác quặng giải quyết được đầu ra, có điều kiện đầu tư tiếp việc chế biến sâu theo giấy phép đầu tư.

Như vậy là quan điểm của Bộ Công Thương đã rõ, tuân thủ quy định không cho DN XK quặng để dành chế biến sâu trong nước. Trong công văn gửi các DN, Bộ Công Thương cũng nêu rõ phương thức mua bán giữa các DN là dựa trên nguyên tắc thoả thuận, các bên cùng có lợi.

Vấn đề là các bên không thể đàm phán được về giá. Bên bán - Cty Thăng Long - đồng ý đàm phán theo nguyên tắc áp giá thế giới tại thời điểm mua - bán, sau khi trừ đi phí vận chuyển, thuế xuất khẩu. Theo mức giá Cty đưa ra, thì vào trung tuần tháng 9, khách hàng nước ngoài đã chào giá mua tinh quặng giao tại cảng Phòng Thành (Trung Quốc) là 120USD/tấn (khoảng 1,99 triệu đồng).

Còn bên mua - 4 Cty đang có các dự án phôi thép sắp vào hoạt động là TCty Thép VN (VSC), Cty TNHH Vạn Lợi, Tập đoàn Hoà Phát và Cty cổ phần thép Đình Vũ - thì cho rằng: Để cạnh tranh với phôi thép nước ngoài, các nhà máy luyện thép từ quặng sắt chỉ có thể sử dụng nguồn quặng sắt khai thác trong nước, với giá cả nội địa thì mới mong giảm giá thành sản phẩm. Đại diện các DN luyện thép đã cử Cty thép Đình Vũ - thay mặt các Cty - đàm phán giá mua bán với Cty Thăng Long.

Nhưng vào tuần trước, hai bên cũng chưa đi đến ngã ngũ. Ông Phạm Lê Hùng - TGĐ Cty Thăng Long - khẳng định: Tại thời điểm hiện nay, giá quặng sắt giao tại Phòng Thành là 110USD/tấn, khoảng 900 nhân dân tệ. Trong khi các DN VN chỉ trả 500.000đ/tấn. Theo ông Hùng, giá thành sản xuất của Cty hiện tại đã lên tới 700.000đ/tấn, nên không thể chấp nhận bán lỗ.

Lối thoát nào?

Trên thực tế, lượng quặng 100.000 tấn đối với các DN sản xuất thép trong nước không phải là lớn. Bởi riêng Cty Vạn Lợi và Cty Đình Vũ đã đề nghị được mua toàn bộ số lượng quặng này của Cty Thăng Long. Nếu các nhà máy luyện gang thép của cả 4 Cty đồng loạt đi vào sản xuất, thì nhu cầu quặng sắt làm nguyên liệu hàng năm lên tới hàng triệu tấn. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên hầu hết các dự án luyện gang thép trong nước đều bị chậm tiến độ.

Vì vậy trước mắt, các chủ đầu tư đều chưa có nhu cầu hoặc có nhu cầu dự trữ quặng, nhưng không vay được vốn lưu động để mua quặng dự trữ. Chính vì vẫn còn có thể trì hoãn được nhu cầu quặng sắt cho sản xuất và muốn đàm phán một giá quặng hợp lý để giảm giá thành, mà các Cty gang thép trong nước đã không mấy mặn mà khi phải mua giá quặng ngang bằng giá thế giới.

Trong khi đó, Cty Thăng Long lại đang "ngồi trên đống lửa", khi từ tháng 4 đến nay, Cty sản xuất đều đặn 800 tấn tinh quặng/ngày, nhưng không tiêu thụ được, trong khi vẫn phải duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân và trả lãi vay ngân hàng, khấu hao thiết bị. 


Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) - đứng về phía các nhà sản xuất thép, yêu cầu Bộ Công Thương kiên quyết không cho Cty Thăng Long XK quặng với lý do giữ lại bán trong nước. Ông đề xuất, lấy giá bán quặng sắt mà TCty Thép VN khai thác ở mỏ Quý Xa và Thái Nguyên, hiện đang cung cấp cho các nhà máy luyện gang thép của TCty làm căn cứ tham chiếu khi ký kết hợp đồng giữa hai bên.

Ông Cường cũng cho biết: Theo khảo sát của hiệp hội, hiện tại giá quặng giảm rất nhiều theo sự xuống giá của phôi thép và thép thành phẩm. Nguồn tin của hiệp hội khẳng định, giá giao hàng cao nhất tại Trung Quốc chưa đến 1,1 triệu đồng/tấn và thấp nhất khoảng 700.000-800.000 đồng/tấn. Vì vậy, nếu không ngã ngũ được về giá thì XK sẽ tạo tiền lệ xấu, không tuân thủ quyết định của Chính phủ và Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: Quan điểm của Bộ Công Thương  là dứt khoát dành quặng để sản xuất trong nước. Tuy nhiên, phải xem xét hoàn cảnh cụ thể để gỡ khó cho DN. Hiện nay, các dự án lò cao, sử dụng quặng sắt của 4 Cty chưa đi vào hoạt động, một số Cty khai thác quặng thì sản xuất nhưng không có đầu ra. Vì vậy phải xem xét cho họ, nếu không DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Công Thương đang đợi các DN có văn bản chính thức xác nhận khả năng mua quặng, kết quả đàm phán giữa các bên để trình Chính phủ phương án tháo gỡ. Thậm chí, bộ có thể kiến nghị cho phép Cty Thăng Long tạm thời XK theo từng lô một, sẽ không tạo tiền lệ. Tuy nhiên, bộ vẫn khuyến khích các DN đàm phán để đi đến thống nhất giá mua bán, lợi cho cả đôi bên.

ĐỌC THÊM