Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bình ổn thị trường - Tạo cầu nối lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp ĐBSCL

 Chương trình hợp tác thương mại, bình ổn thị trường (BOTT) giữa các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Hồ Chí Minh đã thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết; tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) đặt mối quan hệ hợp tác với nhau, giúp DN từng bước phát triển sản xuất, phân phối theo quy trình, hướng đến phát triển bền vững.

Đây cũng là nội dung chính được đại diện ngành Công Thương các tỉnh trao đổi tại Hội nghị công tác BOTT giữa các tỉnh thành phố vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh ngày 19/12, tại tỉnh Long An.

Hiệu quả tích cực từ công tác BOTT

Đánh giá về hoạt động giá cả thị trường của khu vực ĐBSCL trong năm 2018, ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết: Năm 2018, tình hình thị trường, giá cả khu vực ĐBSCL không có biến động lớn, chỉ số giá tiêu dùng CPI 10 tháng đầu năm 2018 bình quân tăng 4,30% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng CPI của cả nước là 3,60%.

Theo ông Được, thời gian qua công tác BOTT tại các tỉnh/thành đã đạt được một số kết quả đáng kể, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ trong dịp Lễ, Tết dồi dào, phong phú; giá cả ổn định, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, vừa tạo tâm lý ổn định cho thị trường, đã làm hạn chế được các hiện tượng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá trong các đợt cao điểm.

Cùng với việc tổ chức mạng lưới cung ứng hàng bình ổn, hệ thống phân phối của các DN cũng được phát triển rộng rãi, kết nối tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn, góp phần giải quyết đầu ra cho các sản phẩm tại các địa phương.

Theo thống kê của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, có 70 DN tham gia thực hiện chương trình BOTT; riêng TP. Hồ Chí Minh có 90 DN tham gia. Ngoài việc tham gia chương trình BOTT, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, các tỉnh còn triển khai thực hiện chương trình “Hàng Việt về nông thôn” nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ DN, HTX tham gia kết nối vùng nông sản thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng của các DN, hợp tác xã, hộ cá thể nhỏ lẻ của khu vực ĐBSCL và các sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm, nuôi trồng, sản xuất theo quy chuẩn.

Song song đó, đẩy mạnh kết nối 2 chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, hỗ trợ đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh và ngược lại nhằm bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường.


Nhiều mặt hàng thiết yếu của khu vực ĐBSCL tham gia chương trình BOTT được lưu thông tại các kênh phân phối hiện đại của TP. Hồ Chí Minh

Đặc biệt, hoạt động BOTT khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã được Sở Công Thương các tỉnh thành liên kết chặt chẽ, huy động DN cung ứng hàng hóa kịp thời nhằm BOTT, không để sốt giá cục bộ xảy ra, đồng thời tạo điều kiện cho nông sản của các tỉnh lưu thông vào hệ thống phân phối trong vùng và TP. Hồ Chí Minh.

Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa DN và địa phương

Để chương trình BOTT trong năm 2019 đạt hiệu quả, ông Nguyễn Anh Việt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An kiến nghị, Sở Công Thương các tỉnh/thành khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh phải chặt chẽ hơn trong việc liên kết thực hiện các giải pháp BOTT; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh/thành để tìm đầu ra, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.

Còn theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở ngành, địa phương cùng với DN để huy động DN cung ứng, tạo tâm lý ổn định cho thị trường, góp phần ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt chờ tăng giá bất hợp lý.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty San Hà đề xuất, các địa phương nên tạo điều kiện cho DN về tỉnh kết hợp với người nông dân phát triển các vùng nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất, để từ đó có nguồn hàng ngay tại chỗ, đáp ứng nhu cầu BOTT kịp thời, hiệu quả.

Liên quan đến công tác BOTT trong dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng, với việc ký kết thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, BOTT giữa các tỉnh, thành phố năm 2019, Sở Công Thương các tỉnh/thành khu vực ĐBSCL cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn để hỗ trợ được nhiều DN cùng thực hiện chương trình BOTT. Nhất là chủ động tích cực để có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ liên tục trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, từ đó tạo được uy tín, quảng bá được thương hiệu và thu hút nhiều DN có hệ thống phân phối lớn tại TP. Hồ Chí Minh tham gia, góp phần phát triển mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường trong khu vực.

Ngay tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh/thành phố ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã cùng thống nhất ký kết Biên bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, BOTT năm 2019. Theo biên bản, trong năm 2019, hoạt động BOTT sẽ được mở rộng thêm một số nhóm hàng; các tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển mối liên kết giữa các DN để chủ động nguồn hàng; Hỗ trợ DN phát triển đa dạng mạng lưới phân phối thông qua các chương trình hợp tác đầu tư, kết nối cung cầu, phát triển hệ thống điểm bán hàng bình ổn đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, văn minh thương mại...

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM