Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bài toán khó của ngành thép

– Còn nhiều thách thức cho ngành thép Việt Nam khi phải cạnh tranh với nguồn thép nhập khẩu giá rẻ.

Đầu tư manh mún

Theo Bộ Công thương, hiện có hàng trăm dự án đầu tư thép đã được cấp phép và đưa vào hoạt động. Điều này gây bất lợi cho khả năng tiêu thụ lượng thép tồn kho rất lớn tại các doanh nghiệp, thị trường mua bán ảm đạm.

Chỉ tính riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có tới hàng chục doanh nghiệp lớn đang sản xuất phôi thép và cán thép với công suất lên tới trên 2,6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, hiện hàng loạt các dự án cán thép đang tiếp tục đầu tư vào đây, nâng công suất lên tới 5 triệu tấn/năm vào đầu năm 2010.

Từ đầu năm 2009 đến nay, lượng thép nhập khẩu đạt khoảng 8,6 triệu tấn, cộng với khoảng 2 triệu tấn tồn kho từ năm 2008, nâng tổng lượng thép nhập khẩu đến thời điểm này là 10,6 triệu tấn.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hai giải pháp mà ông đã kiến nghị với Chính phủ là hạn chế cấp phép tràn lan và tăng năng lực của các nhà sản xuất.

Đặc thù của ngành thép là vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khá lớn, đặc biệt là công nghệ, nếu đầu tư sản xuất nhỏ thì chất lượng không đảm bảo mà còn tác hại nghiêm trọng đối với môi trường.

Ông Cường thừa nhận, hiện tại ngành công nghiệp thép Việt Nam có nhiều dự án đầu tư là một dấu hiệu đáng mừng, vì điều đó chứng tỏ nhu cầu thép phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước hứa hẹn có mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, việc các địa phương đầu tư tràn lan các dự án thép, không có cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững vì thiếu nguyên liệu cung ứng là dấu hiệu có thể báo trước. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tính thương hiệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Nam.

Ông Phạm Chí Cường còn cho biết, nếu quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà chỉ áp dụng phương pháp hành chính thì không hiệu quả. “Chúng ta cần thống nhất về giá và chất lượng, các doanh nghiệp không đủ năng lực sẽ tự động đào thải”, ông Cường nói.

Khó cạnh tranh

Hiện tại, rất nhiều nguồn thép nước ngoài nhập vào Việt Nam với giá rất cạnh tranh. Nguồn thép này chủ yếu đến từ Trung Quốc và Asean.

Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt cho biết, thị phần thép nội địa vẫn chiếm 80% và đây là mức có thể chấp nhận được. Theo ông Phạm Chí Cường, lượng tiêu thụ thép nội địa năm nay ước chừng trên 10 triệu tấn và ông cho đây là mức khá.

Tín hiệu lạc quan trên có thể sẽ là động lực cho ngành thép khi nền kinh tế đang có bước phát triển mới sau khi vượt qua khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển không theo quy luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường ngành thép trong nước. Các nhà đầu tư bất động sản trong nước còn giữ thói quen dùng thép ngoại, trong khi thị phần này sẽ chiếm ưu thế trong tương lai.

Vậy, câu hỏi làm thế nào để ngành thép trong nước cạnh tranh được với thép ngoại nhập? Tuy thép của Trung Quốc, Asean có chất lượng thấp hơn thép trong nước nhưng giá cả lại cạnh tranh hơn, trong khi giá thép của chúng ta đắt hơn lại chưa có thương hiệu. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn vốn đầu tư trong nước không thiếu nhưng chúng ta lại đầu tư phân tán, thiếu tập trung và liên kết. Dẫn đến thực trạng vốn nhỏ vọt ở khắp nơi, thiếu đầu tư công nghệ và xử lý môi trường.

Ngành thép Trung Quốc đi lên từ dưới 50 triệu tấn/năm lên 550 triệu tấn/năm nhưng chính sách của Trung Quốc là không có một công ty thép nào trong nước có vốn đầu tư nước ngoài vượt quá 30%. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc tận dụng triệt để nguồn vốn trong nước, quản lý chặt chẽ và tập trung. Ông Đỗ Duy Thái đưa ra dẫn chứng và cho rằng đây là điều mà chúng ta cần học hỏi.

Cho phép doanh nghiệp thép trong nước đầu tư ra nước ngoài cũng được nhiều doanh nghiệp đồng tình. Ông Đỗ Duy Thái, cho biết quan điểm: “Ngành thép nên được phép đầu tư ra nước ngoài, như vậy nguồn vốn xoay vòng sẽ không chảy vào thị trường bất động sản”.

(Tổ Quốc)

ĐỌC THÊM