Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ai được lợi từ thép tăng giá?

Thép tăng giá mạnh khiến nhiều ý kiến cho rằng DN thép sẽ lãi lớn, song kết quả đợt kiểm tra mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, điều đó chưa hẳn đúng. Chi phí đầu vào tăng, đẩy giá sản phẩm tăng cao khiến sức mua có nguy cơ giảm có thể là nguyên nhân làm lợi nhuận của DN không hẳn lạc quan. Số liệu của Hiệp hội và Tổng công ty Thép cũng cho thấy, với lượng hàng tồn kho hiện nay cộng sức ép từ thép nhập khẩu, nếu DN tăng giá một cách "già néo" có thể khiến thị trường phản ứng kiểu "đứt dây".

Kết quả đợt kiểm tra mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, nguyên nhân tăng giá thép do chi phí phôi thép chiếm tới 95% giá thành, phôi thép nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 50%, lượng phôi thép sản xuất trong nước cũng bị phụ thuộc vào thép phế liệu nhập khẩu, do đó giá bán các mặt hàng thép trong nước phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của giá phôi, giá thép phế liệu trên thế giới. Năm 2009, dù các DN đều điều chỉnh giá bán sản phẩm theo xu hướng tăng giá của phôi thép và thép phế liệu trên thế giới, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả không cao. Cụ thể: Tổng công ty Thép Việt Nam lỗ 791 tỷ đồng; CTCP Gang thép Thái Nguyên lãi 73,8 tỷ đồng; CTCP Thép Vạn Lợi lỗ 172 tỷ đồng; CTCP Thép Đình Vũ lỗ 171,9 tỷ đồng; CTCP Kim khí Hà Nội lỗ 20 tỷ đồng; CTCP Kim khí miền Trung lãi 10 tỷ đồng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I nhập khẩu sắt thép các loại đạt 1,65 triệu tấn, tăng 16,2% (trong đó phôi thép đạt 444 nghìn tấn, tăng 21%). Lượng nhập khẩu lớn cho thấy cung hàng sẽ dồi dào trong thời gian tới.

 

 

 

Bước sang quý I/2010, giá thép xây dựng trên thị trường nói chung và của các DN đều đang có xu hướng biến động và tăng giá mạnh từ đầu năm đến giữa tháng 3. Mức tăng giá từ đầu năm đến ngày 23/3/2010 là trên 13% và đã tăng cao hơn gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009. Từ ngày 15 đến 23/3/2010 hầu hết các DN thuộc Hiệp hội thép Việt Nam đều tăng giá bán bình quân từ 300 - 1.300 đồng/kg. Giá sản phẩm đầu ra được điều chỉnh tăng mạnh, nhưng các DN lại rất thận trọng trong kế hoạch lợi nhuận. Ngay những DN cổ phần vốn lãi lớn trong năm 2009 cũng đề ra con số khiêm tốn. CTCP Thép Việt Ý là một ví dụ, năm 2010 đặt kế hoạch lãi sau thuế 80 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2009, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận 1.350 tỷ đồng, tăng 5% so với 2009 (Hòa Phát kinh doanh đa ngành chứ không chỉ tập trung vào thép - PV)… Tổng công ty Thép Việt Nam vốn chịu áp lực về vai trò bình ổn giá thì lo sẽ tiếp tục lỗ. Ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty cho hay, mấy năm gần đây Tổng công ty không còn vốn để đầu tư vì năm nào cũng phải lo nhiệm vụ bình ổn giá (bán thấp) nên lỗ nặng.
 
Với diễn biến thị trường hiện nay, số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy, tiêu thụ thép xây dựng quý I của các thành viên Hiệp hội đạt 1,22 triệu tấn, trong đó riêng tháng 3 đạt 568.000 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ và tăng 88% so với tháng 3/2009. Tiêu thụ thép xây dựng toàn hệ thống Tổng công ty (gồm cả các công ty con, liên kết) quý I đạt gần 600.000 tấn, tăng trên 30% so với cùng kỳ.
Hiện nay, công suất cán thép xây dựng trong nước đã lên tới hơn 7 triệu tấn/năm, trong đó hệ thống Tổng công ty là gần 4 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu về thép xây dựng của cả nước chỉ khoảng hơn 5 triệu tấn. Bên cạnh đó, lượng tồn kho thép xây dựng của các nhà sản xuất vẫn ở mức khá cao, khoảng 200.000 tấn, dự trữ phôi thép cũng lên tới gần 530.000 tấn, cộng với lượng hàng nhập về đủ đáp ứng cho nhu cầu các tháng tới. Vì vậy, có thể khẳng định, khó có thể xảy ra tình trạng thiếu thép trong thời gian tới.
Nguyên nhân giá thép tăng mạnh được lý giải chủ yếu do trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá thép chịu tác động mạnh từ biến động giá thép thế giới thời gian qua (chi phí phôi thép chiếm 80-90% trong cơ cấu giá thành thép xây dựng). Ngoài ra, còn có các yếu tố khác tác động tới chi phí đầu vào như tỷ giá, thuế VAT (tăng từ 5% lên 10%), giá điện tăng… cùng với nhu cầu trong nước tăng cao.
Nhận định về biến động giá trong thời gian tới, Tổng công ty Thép cho rằng, còn có những diễn biến phức tạp nhưng do giá nguyên liệu đầu vào (quặng sắt, than mỡ, thép phế, phôi thép) đều đã tăng 50-100% so với 2009 và đã đi vào vùng giá cao nên thông thường mức tăng sẽ chậm lại. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho của DN lớn, áp lực về cầu khi giá tăng cao trong thời gian tới sẽ giảm, cũng sẽ góp phần duy trì giá thép trong nước ở mức ổn định hơn. Đặc biệt, áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước (trên 30 DN lớn nhỏ) và nguy cơ từ thép Asean nhập khẩu do mức thuế bảo hộ đối với ngành thép hiện khá thấp (0%) cũng sẽ làm giảm áp lực tăng giá.
tinnhanhchungkhoang

ĐỌC THÊM